“Hiện tại Elon Musk giỏi hơn tôi nhưng tôi có thể giỏi hơn anh ấy trong tương lai”, Hà Tiểu Bằng, CEO kiêm Chủ tịch hãng xe điện Xiaopeng Motors tuyên bố hồi tháng 1/2018.
Anh ấy bán công ty internet của mình với giá hàng tỷ USD và rồi sáng lập một startup xe điện, thường xuyên cập nhật thông tin về hãng xe của mình trên mạng xã hội. Anh sở hữu cổ phần của Tesla, lái xe của Tesla và đang xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện tại Trung Quốc.
Nhưng anh ta không phải là Elon Musk. Thay vào đó, người mà chúng ta đang nói tới là tỷ phú Trung Quốc Hà Tiểu Bằng (He Xiaopeng). Hà coi Elon Musk là mục tiêu mà anh cần đánh bại và công ty Xiaopeng Motors (hay còn gọi là Xpeng) của Hà đang liên quan tới vụ kiện tụng về bí mật công nghệ với cả Tesla và Apple. Tesla cáo buộc một trong những cựu kỹ sư của họ đã đánh cắp công nghệ tự lái trước khi nhận việc tại Xpeng nơi Hà làm chủ tịch.
“Bây giờ Elon Musk giỏi hơn tôi nhưng tôi có thể giỏi hơn anh ấy trong tương lai”, Hà Tiểu Bằng, CEO kiêm Chủ tịch hãng xe điện Xiaopeng Motors tuyên bố hồi tháng 1/2018.
Cuối tuần vừa rồi, Hà, 41 tuổi, cũng thẳng thắn công khai trên WeChat cá nhân rằng vụ kiện của Tesla rất đáng nghi vấn. Cáo buộc của Tesla được đưa ra chỉ 8 tháng sau khi một trong những nhân viên cũ của Apple bị buộc tội cố gắng trao đổi các công nghệ tự lái tuyệt mật của Apple lấy một công việc tại Xpeng. Cho tới thời điểm hiện tại, Xpeng vẫn chưa bị Apple và Tesla cáo buộc có các hành vi sai trái.
Ngày 12/3, trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg tại trụ sở Xpeng ở Quảng Châu, nơi có một cầu trượt 3 tầng, Hà đã tỏ rõ thái độ coi thường những nhân viên/kỹ sư đánh cắp tài sản trí tuệ.
1. Tôn trọng tài sản trí tuệ
“Là một kỹ sư công nghệ thông tin nên tôi hiểu và thực sự tôn trọng tài sản trí tuệ của mọi người”, Hà nói trong khi đung đưa đôi chân đi dép da. “Chúng tôi sẽ chẳng vui vẻ gì nếu tài sản trí tuệ của mình bị đánh cắp bởi chính nhân viên của chúng tôi. Nhân tài thì hãng nào chẳng muốn tuyển dụng nhưng chúng tôi không bao giờ ăn cắp những gì các công ty khác đã dày công nghiên cứu bởi điều đó có giúp chúng tôi tăng cường khả năng cạnh tranh đâu cơ chứ”.
Với Hà, đánh bại Elon Musk và Tesla là mục tiêu của anh. Tuy nhiên, anh sẽ làm điều đó bằng chính thực lực của mình chứ không dựa vào việc ăn cắp tài sản trí tuệ.
Tài sản trí tuệ không phải là mặt trận duy nhất trong cuộc chiến xe điện tự lái. Nguồn vốn là một trong những mặt trận khác. Xpeng hiểu rằng trước khi có được thành công, họ sẽ phải “đốt tiền” giống như Tesla và các hãng xe điện khác đang làm. Nhà máy xe điện của Xpeng hiện đang được xây dựng và nó chỉ cách trụ sở Quảng Châu chỉ khoảng 1 tiếng lái xe. Hà đang cố gắng đẩy nhanh quá trình hoàn thành nhà máy của mình để bắt kịp tiến độ thần tốc của công xưởng khổng lồ Gigafactory mà Tesla đang xây dựng tại Thượng Hải.
“Tôi từng nghĩ là chỉ cần huy động được 1 tỷ USD là đủ”, anh chàng coder Hà Tiểu Bằng chia sẻ. Hà đầu tư vào Xpeng sau khi bán công ty trình duyệt UC Web Inc. cho Alibaba vào năm 2014. “Nhưng giờ tôi nghĩ là nếu chúng tôi huy động được 4 đến 5 tỷ USD thì sẽ tuyệt hơn nhiều”.
2. Vượt qua nước Mỹ
Với mục tiêu trở thành siêu cường quốc, Trung Quốc đang cố gắng vượt qua nhiều biểu tượng khác nhau của nước Mỹ. Gần đây, một tỷ phú Trung Quốc đã xây dựng một studio lớn hơn tất cả các studio tại Hollywood và một phiên bản Disneyland của riêng ông ta.
Khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung ngày càng leo thang, nỗi ám ảnh vượt mặt Elon Musk của doanh nhân Trung Quốc ngày càng trở nên siêu thực. Danh sách các ứng viên muốn đánh bại Musk ngày càng dài, bao gồm cả Cổ Diệu Đình, người đang cố gắng xây dựng hãng xe điện Faraday Future ở California sau khi đế chế internet LeShi của anh ta sụp đổ, và nhà khoa học 32 tuổi Shu Chang, người được truyền thông Trung Quốc gọi là “Elon Musk Trung Quốc” sau khi phóng thành công tên lửa thương mại đầu tiên của quốc gia này vào năm ngoái.
Nhưng Hà có thể là một trong những người giống Elon Musk nhất khi sẵn sàng “troll” CEO Tesla trong chính bài viết của ông trên Weibo, mạng xã hội Trung Quốc. Hiện tại, Hà đang tìm kiếm các nguồn vốn bổ sung sau khi đã huy động được khoảng 10 tỷ nhân dân tệ từ các nhà đầu tư như tập đoàn tương mại điện tử khổng lồ Alibaba và hãng lắp ráp iPhone Foxconn.
Hãng xe điện của Hà có tên đầy đủ là Guangzhou Xiaopeng Motors Technology Co. Ltd. và theo số liệu của CB Insights về các dự án đầu tư mạo hiểm nó được định giá vào khoảng 3,65 tỷ USD.
3. Những nhà đầu tư giàu có
Nhờ sự hậu thuẫn của các ông lớn, Xpeng đã có một khởi đầu sớm và thuận lợi trong cuộc đua xe điện tại Trung Quốc, nơi 1 nửa số xe điện trên thế giới được bán trong những năm gần đây. Trung Quốc, thị trường xe hơi lớn nhất thế giới, đang cố gắng định hình lại ngành công nghiệp ô tô nhằm thúc đẩy các phương tiện năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để làm sạch không khí và giảm sự phụ thuộc vào xăng dầu nhập khẩu. Các đối thủ nội địa của Xpeng bao gồm hãng sản xuất ô tô BYD Co. được nhà đầu tư Warren Buffett rót vốn và startup NIO Inc..
Xpeng hiện đang thuê đối tác Haima Automobile Group Co. ở Trịnh Châu sản xuất xe cho mình. Để đẩy nhanh thời gian giao xe cho khách, Haimai Automobile đang bị Xpeng hối thúc tăng năng lực sản xuất. Xpeng bắt đầu bán ra chiếc SUV G3 chạy điện, mẫu xe đầu tiên của họ, vào tháng 12 năm ngoái nhưng từ chối tiết lộ doanh số.
“Tesla bắt khách hàng phải đợi tới 3 năm mới được nhận xe và Xpeng không muốn lâm vào hoàn cảnh tương tự”, Linyan Feng, một nhà phân tích của hãng EqualOcean chia sẻ.
Vì bị đánh thuế, giá khởi điểm của một chiếc Tesla Model 3 ở Trung Quốc cao gấp đôi chiếc G3 của Xpeng. “Khi Tesla xây xong nhà máy ở Thượng Hải, tôi nghĩ các hãng xe điện Trung Quốc sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn”, Feng nói thêm.
4. Chàng Coder yêu biển
Tỷ phú trẻ Hà Tiểu Bằng sinh ra ở Huangshi, thuộc tỉnh Hồ Bắc nơi cha anh là kỹ sư điện cho một nhà máy sản xuất máy khai thác xi măng. Anh học ngành khoa học máy tính tại Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc trước khi đồng sáng lập UCWeb vào năm 2004. Ước tính tổng tài sản mà Hà đang nắm giữ là 1,3 tỷ USD.
Tháng 6/2014, Hà bán UCWebs cho Alibaba với mức giá không được tiết lộ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng giá trị của thương vụ này cao hơn 1,9 tỷ USD trở thành thương vụ thâu tóm lớn nhất ngành công nghiệp internet Trung Quốc lúc bấy giờ. Cũng trong năm 2014, Hà cùng Xia Heng và He Tao sáng lập ra Xiaopeng Motors. Tuy nhiên, Hà không làm việc tại Xpeng mà trở thành chủ tịch UCWeb và chủ tịch Nhóm Kinh doanh Di động của Alibaba. Sau này, Hà tiếp tục giữ chức chủ tịch Tudou & Ali Games.
22/8/2017 Hà rời Alibaba và ngày 29/8 Hà chính thức tiếp quản vị trí CEO kiêm chủ tịch Xpeng. Chỉ 3 tháng sau, Xpeng nhận được khoản đầu tư lớn từ Alibaba. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm trong ngành công nghiệp xe hơi, Hà buộc phải học tất cả mọi khía cạnh của quá trình sản xuất xe, từng bước một và từng chi tiết một. “Trong lĩnh vực internet, tôi là một chuyên gia”, Hà nói trong một lần xuất hiện trước công chúng. “Nhưng trong ngành công nghiệp xe hơi tôi giống như một học sinh tiểu học”.
Vì thế, tuyển dụng nhân tài là cách duy nhất để đưa Xpeng đi đúng hướng. Là một trong những nhân tài cốt lõi của quốc gia, Hà trở nên có tiếng nói và sức hút với những nhân tài khác. Anh đã mang về cho Xpeng Gu Junli (cựu chuyên gia kỹ thuật của Tesla), Liu Minghui (cựu phó chủ tịch cả Viện R&D FAW), Xiong Qingyun (cựu giám đốc P&G Trung Quốc) và Brian Gu (cựu chủ tịch JP Morgan Châu Á Thái Bình Dương) 1 trong ba chàng lính ngự lâm của Xpeng.
Hà muốn mở rộng đội ngũ R&D của Xpeng trong năm nay, bổ sung thêm hàng trăm nhân sự tập trung vào công nghệ tự lái, trí tuệ nhân tạo và kết nối internet. Thách thức lớn nhất với Xpeng đó là giáo dục người tiêu dùng sao cho họ quen thuộc với xe điện và Tesla, công ty mà Hà không hề coi là đối thủ, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Xpeng giải quyết thách thức này.
Sau khi đầu tư hàng triệu nhân dân tệ để mua cổ phiếu Xiaomi trong đợt IPO, Hà thổ lộ rằng CEO Lei Jun chính là người mà anh thần tượng nhất.
Hà hứa sẽ phưu lưu bằng tàu thám hiểm có thể phá băng và khám phá đại dương bằng tàu ngầm cỡ nhỏ cùng thuyền đổ bộ sau khi giúp Xpeng trở thành hãng sản xuất xe điện tên tuổi trên thị trường. Trước khi sáng lập Xpeng, anh từng nghiên cứu về việc phát triển những khu định cư dạng đảo nổi.
“Tôi rất thích biển”, Hà nói. “Tôi luôn mua nhiều thứ có liên quan tới biển cả như thuyền và các thiết bị”, vị Chủ tịch trẻ sở hữu một du thuyền ở Hồng Kông, chia sẻ thêm.
5. Ba chàng ngự lâm
Hà Tiểu Bằng cùng với Xia Heng và Brian Gu được gọi là “Ba chàng lính Ngự lâm” của Xpeng. Trong khi Xia đảm nhiệm các vấn đề kỹ thuật thì Brian là người xử lý mọi công việc liên quan tới tài chính.
Xia Heng chính là người lãnh đạo, phát triển Xpeng trong những năm tháng đầu tiên. Tốt nghiệp ngành Kỹ sư Ô tô tại Đại học Thanh Hoa, Xia nắm rõ ngành công nghiệp xe hơi hơn Hà và chính anh lèo lái Xpeng trong 3 năm đầu tiên, trình làng thành công mẫu xe beta vào tháng 9/2016.
Trong khi đó, Brian Gu chính là người giúp Xpeng không bao giờ lâm vào tình trạng khó khăn về mặt tài chính. Gia nhập vào tháng 3/2018, Brian chịu trách nhiệm về chiến lược toàn cầu, tài chính, gây vốn, hợp tác quốc tế, sáp nhập và thâu tóm của Xpeng. Tháng 8 năm ngoái, Brian đã tuyên bố rằng Xpeng sẽ huy động 30 tỷ USD từ nhiều nguồn khác nhau để tăng cường khả năng đối phó với rủi ro của công ty cũng như loại bỏ suy nghĩ phải huy động vốn bằng phương thức IPO.
“Sự gia nhập của Tiến sĩ Brian Gu đã hoàn thiện “Ba chàng lính Ngự lâm”, nhóm quản lý cốt lõi của Xpeng với tiềm năng mạnh mẽ về internet, tài chính và hội nhập chiến lược cũng như chuyên môn trong ngành ô tô”, Hà Tiểu Bằng tuyên bố.
Với sự hỗ trợ của 2 chàng lính Ngự lâm Xia Heng và Brian Gu, liệu Hà Tiểu Bằng có đạt được mục tiêu đầy tham vọng của mình là đánh bại Elon Musk và Tesla vào một ngày nào đó hay không? Chính các sản phẩm và thị trường sẽ cho chúng ta câu trả lời.
Techtalk via Genk